MẠNG INTERNET – THÀNH QUẢ VƯỢT BẬC HAY MỘT BI KỊCH VĂN HÓA?

Trong xã hội hiện đại, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin mà nổi bật trong đó là trí tuệ nhân tạo đã khiến văn minh loài người tiến lên rất xa. Từ những công nghệ ban đầu như máy vi tính, sóng điện thoại, mạng internet giúp con người kết nối với nhau một cách dễ dàng hơn, đến nay chúng ta có Chat GPT – sản phẩm trí tuệ nhân tạo được cho rằng có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ mất việc cho nhiều người lao động.

Thực tế này khiến nhiều người nghĩ đến lý thuyết của Georg Simmel về bi kịch văn hóa.

Theo Simmel, “bi kịch của văn hoá” chính là nghịch lý thể hiện sự tự phân đôi bi đát của đời sống trong văn hoá. Xét về những nội dung của văn hoá, nghịch lý bi đát này là ở chỗ: chúng do con người tạo ra, nhưng trong hình thức khách quan, chúng tuân theo logic phát triển của riêng chúng, trở nên xa lạ, tha hoá với nguồn gốc và mục đích ban đầu.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của internet, chúng ta mới dễ dàng thấy được sức mạnh của nó trong việc thay đổi cách con người sống và làm việc. Sự thay đổi đó chính là biểu hiện rõ nét nhất của bi kịch văn hóa. Tuy internet là sản phẩm của con người tạo ra nhưng nó đang định hình lại cách chúng ta sống và làm việc. Internet thay đổi cách chúng ta tương tác với nhau, đem đến những thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Vậy trước tiên chúng ta cần hiểu mạng internet là gì. Mạng internet là hệ thống thông tin toàn cầu phổ biến nhất hiện nay, mạng này có thể được truy nhập công cộng với nhiều mạng máy tính được liên kết với nhau. Tuy đã có nhiều sự cải tiến, nhưng bản chất Internet vẫn sử dụng kiểu truyền thông tin theo dạng chuyển mạch gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP). Mạng Internet do Advanced Research Projects Agency (ARPA) của chính phủ Hoa Kỳ phát minh vào năm 1969, ban đầu được gọi là ARPANet.

Mục đích sơ khai của internet là tạo ra một mạng cho phép người dùng máy tính nghiên cứu tại một trường đại học có thể giao tiếp với máy tính nghiên cứu tại các trường đại học khác. Cho đến nay, Internet đã trở thành một cơ sở công cộng, cùng tham gia và tự duy trì, cho phép hàng trăm triệu người trên toàn thế giới cùng lúc truy cập.

Trên thực tế, ta có thể thấy rằng những máy móc, phương tiện, những sản phẩm của khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật ngày càng tinh vi, mang hàm lượng văn hoá cao, trong khi văn hoá của con người cá nhân không thể theo kịp và ngày càng tụt hậu. Sự phát triển không ngừng nghỉ của hệ thống thông tin và mạng xã hội đã khiến xã hội chúng ta xuất hiện nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hiện đại. 20 năm trước, điện thoại thông minh vẫn là một vật dụng xa lạ, nhưng 20 năm trở lại đây thì người người, nhà nhà đều sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại thông minh. Thế hệ 1980 trở về trước đang ở trong tình trạng tụt hậu so với thế hệ ngày nay về việc sử dụng các thiết bị công nghệ.

Nhịp sống hiện đại với sự ra đời của internet và hàng loạt sản phẩm công nghệ cao vừa thể hiện nhu cầu gia tốc đối với cái mới, vừa đẩy nhanh việc suy kiệt năng lượng tâm thần trong một thời đại cuồng loạn!

Vấn đề lớn mà Simmel quan tâm về vấn đề bi kịch của văn hóa nằm ở chỗ: qua thời gian, văn hóa khách quan tăng trưởng vô cùng nhanh chóng trong khi đó văn hóa chủ quan phát triển không nhiều.

Theo thời gian, năng lực sáng tạo của con người sẽ tăng lên rất ít, trong khi đó tổng thể những thứ mà họ tạo ra thì nhiều. Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo đang khiến bức tranh về bi kịch văn hóa hiện diện ngày càng rõ nét. Chúng ta có thể thấy nhiều ví dụ đang hiện diện ngay trong thực tế cuộc sống hiện nay.

Sự ra đời và phát triển của Chat GPT mới đây đã ngay lập tức gây “bão” trên toàn cầu về khả năng “trả lời mọi thứ như người thật” khiến nhiều người lo ngại rằng nó có thể thay thế con người trong tương lai. Sự xuất hiện của Chat GPT khiến nhiều người có suy nghĩ các ngành nghề phụ thuộc vào sản xuất nội dung có thể trở nên lỗi thời, từ giáo sư, biên kịch, lập trình viên cho đến các nhà báo… và một số nghề nghiệp khác. Suy nghĩ này đến từ việc Chat GPT có khả năng viết truyện ngắn, trả lời các bài toán, viết mã, đưa ra lời khuyên và thậm chí hỗ trợ làm bài tập vượt qua kỳ thi MBA.

Thế nhưng, thực tế những phần mềm sử dụng công nghệ như Chat GPT đã xuất hiện từ rất lâu.”Xét về các yếu tố kỹ thuật cơ bản, Chat GPT chẳng mang tới đổi mới đặc biệt nào” (Yann LeCun). Yann LeCun được xem là chuyên gia đầu ngành trong phát triển công nghệ AI. Ông nổi tiếng với công trình nghiên cứu về mạng thần kinh tích chập (CNN) – nền tảng tiên tiến nhất cho phép AI có thể học hỏi như con người trong quá trình xử lý và đưa ra dữ liệu. [1]

Nhiều người trong số chúng ta lại không có hiểu biết về chat GPT dẫn đến tâm lý hoang mang lo lắng.

Chúng ta sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao cuộc sống, nhưng những công nghệ này lại kiểm soát, thay đổi và định hình chính cách chúng ta sống. Tài khoản mạng xã hội đang trở thành một loại tài sản cá nhân. Hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội đang được nhiều người chú ý quan tâm hơn cả cuộc sống thực tế bên ngoài. Người ta cố gắng trở nên hạnh phúc trên mạng xã hội mà bỏ bê cuộc sống thực ngoài đời. Hạnh phúc thực sự dần bị lãng quên.

Sự ra đời của Tiktok khiến việc tiếp nhận thông tin chuyển từ dạng thông tin đầy đủ, chi tiết sang thông tin ngắn, tóm gọn. Một ngày người ta có thể tiếp cận hàng loạt kiến thức, tiếp nhận hàng loạt thông tin nhưng những gì đọng lại cực kỳ ít, thậm chí không có.

Đây chính là ví dụ của bi kịch văn hóa. Bi kịch của văn hóa xảy ra khi năng lực của các cá nhân không thể bắt kịp với nhịp độ tiến triển của sản phẩm văn hóa của chúng ta. Chúng ta rơi vào thực tế bất hạnh là chúng ta ngày càng hiểu biết ít đối với thế giới chúng ta đã, đang tạo ra và chúng ta có nguy cơ ngày càng bị kiểm soát bởi thế giới đó.

Tác giả với nhiều bài viết về công nghệ và văn hóa, Nicholas Carr, đã nói rằng chúng ta càng dành nhiều thời gian chìm đắm trong biển kỹ thuật số, thì khả năng nhận thức của chúng ta càng trở nên nông cạn bởi thực tế là chúng ta không còn thực hiện việc kiểm soát sự chú ý của mình: “Mạng internet là một hệ thống cố ý thiết kế gián đoạn, một cỗ máy phục vụ nhằm mục tiêu phân chia sự chú ý. Sự gián đoạn thường xuyên phân tán tư tưởng của chúng ta, làm suy yếu bộ nhớ, và làm cho chúng ta căng thẳng và lo lắng. Chúng ta càng suy nghĩ phức tạp, thì những phiền nhiễu sẽ càng suy giảm.” [2]

Trở lại năm 1971, Herbert Simon, người đạt giải thưởng Nobel về Kinh tế năm 1971, đã cảnh báo rằng “sự giàu có của thông tin tạo ra một viễn cảnh nghèo nàn về việc chú ý.” Ngày nay điều này còn tồi tệ hơn nhiều, đặc biệt đối với người đưa ra quyết định có xu hướng quá tải với quá nhiều “công cụ” – áp đảo và choáng ngợp, trong tình trạng căng thẳng liên tục. Nhà văn chuyên viết về đề tài du lịch Pico Iyer đã viết “Trong thời đại phát triển nhanh chóng, không gì có thể phấn khởi hơn là được đi chậm”. “Và trong thời đại của phân tâm, không có gì là quá xa xỉ như sự chú ý. Và trong thời đại của chuyển động liên tục, không có gì là quá cấp bách như việc ngồi yên.” [3]

Bộ não của chúng ta tham gia tất cả các công cụ kỹ thuật số kết nối với chúng ta trên cơ sở 24 giờ, có nguy cơ trở thành một cỗ máy chuyển động liên tục điên cuồng không ngừng nghỉ. Cũng không phải bất thường khi nhiều người nói họ không còn thời gian để dừng lại và suy nghĩ, rằng hãy tự mình thưởng thức “sự xa xỉ” của việc đọc sách thậm chí là một bài viết ngắn bằng tất cả các cách. Nhiều người dường như đang trong tình trạng ngày càng kiệt sức, bị bủa vây bởi nhiều thông tin, nhu cầu, nhiều hệ giá trị.

 

Bi kịch văn hóa có thành tố chủ chốt là sự gia tăng phân công lao động. Sự gia tăng chuyên môn hóa dẫn đến khả năng tạo ra những thành tố phức hợp, phức tạp của thế giới vật thể. Cùng với đó, cá nhân mất đi khả năng hiểu văn hóa tập thể và khả năng kiểm soát nó. Chuyên môn hóa dẫn đến sự phát triển trên nhiều phương diện, giúp nâng cao đời sống nhưng khiến chúng ta phải đương đầu và cố gắng vượt qua sự kìm kẹp trong đời sống hàng ngày.

Hàng ngày chúng ta lên mạng, tiếp cận với hàng ngàn hàng vạn thông tin giải trí. Những thông tin, sản phẩm giải trí đó giữ chân chúng ta trên mạng xã hội hàng giờ liên tục. Việc chìm đắm vào những thông tin thú vị đó còn có thể khiến chúng ta bỏ quên công việc hàng ngày. Nhiều người hiểu điều đó nhưng họ không thể dứt khỏi những cám dỗ trên mạng.

Bi kịch xảy ra từ đây. Từ một thứ sinh ra để giải trí, để nâng cao đời sống tinh thần cho chúng ta nhưng chúng ta bị internet kiểm soát và phải cố gắng thoát khỏi nó. Bi kịch xảy ra khi chúng ta không có nhiều hiểu biết về internet, từ việc sử dụng internet để giải trí thì điều đó còn khiến chúng ta suy kiệt năng lượng tâm thần trong một thời đại cuồng loạn thông tin!

Tóm lại, sự ra đời của internet cùng hàng loạt sản phẩm công nghệ cao ứng dụng internet là minh chứng rõ rệt nhất của bi kịch văn hóa. Từ một sản phẩm được tạo ra bởi con người, internet đang phát triển nhanh và mạnh đến mức chúng ta không thể kiểm soát và theo kịp sự phát triển đó nữa. Internet còn định hình lại và chi phối cách chúng ta sống, cách chúng ta giao tiếp, tạo nên những văn hóa mới như “văn hóa mạng xã hội”. Bên cạnh đó là vô vàn vấn đề xã hội nảy sinh như: nghiện mạng xã hội, nghiện mua sắm online, nghiện trò chơi điện tử… Quan niệm của Georg Simmel về bi kịch văn hóa đã mang đến cho chúng ta cách nhìn nhận và lý giải về thực trạng phát triển của đời sống trong thời đại internet và bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Trà Khánh, “ChatGPT có thể thay thế con người?”, Báo VTC News, Truy xuất tại: https://vtc.vn/chatgpt-co-the-thay-the-con-nguoi-ar739195.html

 

[2] Nicholas Carr, The Shallows: How the Internet is changing the way we think, read and remember, Atlantic Books, 2010.

 

[3] Pico Iyer, The Art of Stillness: Adventures in Going Nowhere, Simon and Schuster, 2014.

 

  • Bài viết thuộc bản quyền của công ty TNHH THT Media. Vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức. Tham khảo vui lòng liên hệ: 0973019529

Công ty TNHH THT Media

Địa chỉ: Đường 36 – KĐT Tây Hồ – Quế Võ – Bắc Ninh
Hotline: 0375 433 678 – 0973 494 999 – 0399 762 335
Email: thtmediaqvm@gmail.com

Số điện thoại
Zalo